Trong giai đoạn 2021 – 2025, nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định phấn đấu đạt và vượt các nhóm chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh; hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, đạt tiêu chí đô thị loại II… theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Bảo Lộc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch chung TP.Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040; phủ kín quy hoạch phân khu, lập và phê duyệt các quy hoạch chi tiết; xây dựng TP.Bảo Lộc đạt tiêu chí đô thị loại II, gắn với xây dựng đề án nâng cấp các xã Lộc Châu, Lộc Nga, một phần xã ĐamB’ri đủ tiêu chuẩn trở thành phường.
Đồ án quy hoạch TP Bảo Lộc đến năm 2040
Theo Đồ án quy hoạch đến năm 2040, không gian đô thị Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận sẽ được mở rộng lên hơn 597 km2 (tương đương 59.771 ha) bao gồm 5 xã: Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Tân Lạc và Lộc Nam (huyện Bảo Lâm).
Quy hoạch vùng xứng tầm đô thị “hạt nhân” phía Nam của tỉnh Lâm Đồng theo hướng công nghiệp hiện đại, dịch vụ thân thiện, thông minh & nông nghiệp công nghệ cao. Quy mô dân số đô thị khoảng 320.000 người, trong đó nội thị là 168.000 người và ngoại thị 72.000 người, với các tiêu chí phát triển không gian đô thị, quy hoạch giao thông; hệ thống cấp điện, nước, vệ sinh môi trường…
Tuy nhiên, Bộ xây dựng đối với Đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc & các vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến 2040 đã có yêu cầu làm rõ nhiều nội dung bên dưới. Bộ Xây dựng đã có văn bản số 170 phản hồi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 với nhiều nội dung cần bổ sung, rà soát.
Các vấn đề cần làm rõ & rà soát khi Quy hoạch Bảo Lộc
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng làm rõ cơ sở đề xuất, sự phù hợp về quy mô, phạm vi ranh giới TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận (có phần lớn rừng phòng hộ) với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến 2035, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt.
- Rà soát nội dung Đồ án Quy hoạch đảm bảo tuân thủ theo tính chất đô thị và phù hợp với định hướng phát triển tại Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng, lưu ý về cơ sở để xác định tính chất là đô thị tỉnh lỵ, đô thị thông minh.
- UBND tỉnh Lâm Đồng cần đánh giá hiện trạng TP. Bảo Lộc cũng như với vùng phụ cận, bổ sung trích dẫn nguồn dữ liệu chính xác; đánh giá đầy đủ về tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển đô thị, bổ sung đánh giá về quy hoạch và thực hiện quy hoạch nông thôn.
Lưu ý không thực hiện “cập nhật”, “tích hợp” các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, ý tưởng đầu tư chưa đảm bảo điều kiện về pháp lý; tránh hợp thức hóa các dự án vi phạm (nếu có).
- Đối với các khu vực thuộc đối tượng đang thanh tra, kiểm tra phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
- UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cần rà soát nội dung Đồ án Quy hoạch đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, cũng như các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lưu ý về chỉ tiêu đất dân dụng bình quân toàn đô thị (đến 100m2/người) và mật độ dân số bình quân toàn đô thị trên diện tích đất dân dụng cần có luận chứng, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển đô thị loại I-II.
- Rà soát đảm bảo định hướng quy hoạch phát triển giao thông; quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho rằng, nhiệm vụ quy hoạch được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 1364 (ngày 05/7/2018), đồ án quy hoạch được lập chưa đảm bảo tiến độ theo quy định, các số liệu chưa cập nhật nên ảnh hưởng đến các dự báo và phương án quy hoạch.
Trước đó, vào tháng 11/2021, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040.
Theo đồ án, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên 59.771ha. Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP. Bảo Lộc (06 phường, 05 xã) và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 05 xã: Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc).
Ranh giới lập quy hoạch được giới hạn: Phía Đông giáp huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; Phía Tây giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng; Phía Nam giáp huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận; Phía Bắc giáp các xã còn lại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị khoảng 257.900 người, trong đó, nội thành là 135.700 người, ngoại thành và vùng phụ cận 122.200 người. Đến năm 2040, dân số đô thị khoảng 320.000 người, trong đó, nội thành là 168.000 người, ngoại thành và vùng phụ cận 152.000 người.
Về quy mô diện tích, năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 3.800ha. Trong đó, đất dân dụng khoảng 2.000ha. Năm 2040: Đất xây dựng đô thị khoảng 4.800ha. Trong đó, đất dân dụng khoảng 2.500ha.
Đồ án quy hoạch nhằm phát triển TP. Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ.
Đồng thời, xây dựng TP. Bảo Lộc trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng; trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với vùng TP.HCM, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Quy hoạch TP. Bảo Lộc: Nhiều nội dung cưa lấy ý kiến người dân
Theo kết luận giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về thực hiện công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, báo cáo của UBND TP. Bảo Lộc đối với việc điều chỉnh quy hoạch đô thị từ năm 2011 đến năm 2020 có 44 hồ sơ quy hoạch điều chỉnh cục bộ đã phê duyệt. Trong đó, 36/44 hồ sơ chưa có ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch cấp trên, 34/44 hồ sơ chưa có ý kiến cộng đồng dân cư là chưa thực hiện đúng quy định.
Quy hoạch đô thị từ năm 2021 đến năm 2030 có 34 hồ sơ quy hoạch đã phê duyệt, trong đó có 12/34 hồ sơ chưa lấy ý kiến công khai. Thậm chí UBND TP.Bảo Lộc phê duyệt quy hoạch khi chưa có văn bản ghi nhận việc thẩm định.
Hồ sơ phê duyệt quy hoạch không có văn bản thẩm định gồm: Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu thiết chế văn hóa – thể dục thể thao phường B’lao; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, lô 8, 11 thuộc quy hoạch khu dân cư đường Lý Thường Kiệt (phường Lộc Phát); Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu dân cư khu phố 2B (phường 1); Quy hoạch chi tiết xây dựng khu P13, thuộc khu trung tâm mở rộng của TP.Bảo Lộc; Quy hoạch chi tiết xây dựng chỉnh trang khu dân cư tại Nhà máy chè Hà Giang (cũ), phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc; Quy hoạch chi tiết xây dựng khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở Phương Nam (phường 1, TP.Bảo Lộc).
TP. Bảo Lộc sẽ phát triển thành trung tâm Dịch vụ – Thương mại hỗ hợp; Trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao; Trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cấp vùng và quốc gia; Trung tâm kiểm định hàng hóa và xuất nhập khẩu cấp vùng; Sản xuất vật liệu mới; Chế biến dược liệu; Công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ khai khoáng…
Leave A Comment