Giai đoạn 2017 – 2020, chỉ trong vòng 5 năm số người siêu giàu & người giàu ở Việt Nam đều tăng vượt bậc. Cụ thể, số người siêu giàu tăng gần gấp đôi & số người giàu cũng tăng thêm 70%. Với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc này, số lượng người siêu giàu ở Việt Nam – trung tâm sản xuất mới nổi của châu Á – được dự báo phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ và dịch vụ tài chính.
Đồng thời, các chuyên gia cũng dự đoán trong giai đoạn 2020 – 2025, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu Việt Nam đạt mức 31%, tương đương khoảng 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD. Số lượng người có tài sản trên 1 triệu USD cũng lên tới 25.800 người. Điều này cho thấy sự năng động của nền kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Giới nhà giàu tại Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020
Theo ấn bản mới nhất của một bản báo cáo mang tên “Báo cáo thịnh vượng – Mô hình định giá tài sản” vừa được Công ty Knight Frank, một tập đoàn tư vấn bất động sản độc lập hàng đầu thế giới đang hoạt động tại 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, phát hành thì số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 – 2022.
Báo cáo này cho biết: Từ 583 cá nhân ở Việt Nam có tài sản ròng trên 30 triệu USD năm 2017, đến cuối năm ngoái con số này đã lên đến 1.059, tăng 82% chỉ sau 5 năm.
Knight Frank dự báo đến năm 2027 con số này sẽ gần chạm mốc 1.300, thêm 22% so với hiện tại, và tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm.
Không chỉ có vậy, dân số giàu – những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên – của Việt Nam cũng tăng 70% trong 5 năm qua, và dự kiến sẽ tăng vọt 173% chỉ trong giai đoạn 10 năm từ 2017 đến 2027.
Theo đánh giá của Knight Frank, sự thay đổi trong nhóm dân số giàu và siêu giàu tại Việt Nam cũng nằm trong xu hướng thịnh vượng trên toàn châu Á, theo đó Singapore, Malaysia và Indonesia dẫn đầu các thị trường có dân số siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lượng dân số siêu giàu đã tăng gần 51% trong vòng 5 năm tính đến năm 2022. Mặc dù có dự đoán rằng mức tăng trưởng này sẽ giảm còn 40% trong vòng 5 năm tới, đây vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng phồn vinh thịnh vượng.
Theo dự báo của các chuyên gia của Knight Frank, top 10 tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ do các nền kinh tế châu Âu và châu Á thống trị. Tăng trưởng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vẫn tập trung vào khu vực đô thị, và thị trường bất động sản nhà ở cũng được quyết định ở phân khúc cao cấp tại thành thị nhờ vào tỉ lệ đô thị hóa cao trong khu vực.
Giới siêu giàu chọn đầu tư vào đâu?
Báo cáo The Wealth Report 2023 vừa được công ty Knight Frank phát hành trên toàn thế giới đã hé lộ tài sản mà những người siêu giàu đổ tiền vào. Báo cáo cho biết 3 ưu tiên mà người siêu giàu lựa chọn để đầu tư vẫn là bất động sản, cổ phiếu – cổ phần và trái phiếu. Cuộc khảo sát được tiến hành với hơn 500 người siêu giàu, gồm chủ ngân hàng tư nhân, cố vấn tài chính và văn phòng gia đình, đại diện cho khối tài sản tổng cộng hơn 2.500 tỉ USD.
Trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu, bất động sản chiếm tỷ lệ cao hơn là cổ phiếu. Trong đó, báo cáo của Knight Frank đã phân tách khoản đầu tư này thành đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Khoản đầu tư nhiều nhất là nhà ở chính và bất động sản thứ 2, thứ 3… (gọi chung là bất động sản không để ở), chiếm 32%. Bên cạnh đó, có khoảng 21% được đưa trực tiếp vào bất động sản thương mại, trong khi 13% đầu tư thông qua quỹ nợ hoặc ủy thác đầu tư bất động sản (REITs).
Tính chung cả hai khoản bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại, đầu tư bất động sản chiếm hơn 50% tài sản của người giàu. Knight Frank còn chỉ ra, bất động sản chính là khoản đầu tư an toàn nhất trong góc nhìn của giới siêu giàu. Song song đó, giới siêu giàu đổ 26% vốn đầu tư của mình vào cổ phiếu và cổ phần công ty; trái phiếu chiếm 17%.
Ngoài ra những người giàu có này còn đầu tư mạo hiểm, đầu tư theo đam mê như tác phẩm nghệ thuật, ô tô và rượu…
Báo cáo The Wealth Report ghi nhận năm 2022 là năm có khối lượng đầu tư bất động sản thương mại cao thứ hai từ các nhà đầu tư tư nhân, vốn hóa từ những tài sản được định giá lại và tỷ giá hối đoái có lợi. Theo đó, 32% số người siêu giàu ở châu Á – Thái Bình Dương (APAC) cho biết họ có ý định tăng cường đầu tư vào bất động sản thương mại, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 28%…
Khá bất ngờ khi Việt Nam là một trong 5 điểm đến hàng đầu được giới siêu giàu Singapore lựa chọn để đầu tư bất động sản. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến đầu tư sáng giá của giới siêu giàu trong khu vực. Các đô thị, vùng ven biển và nông thôn Việt Nam luôn tiềm ẩn giá trị cao đối với nhà đầu tư bất động sản.
So sánh với các đô thị lớn trên thế giới, TP.HCM đứng thứ ba về mức giá phải chăng của căn hộ hạng sang, sau Sao Paulo (Brazil) và Cape Town (Nam Phi). Điều này khiến thành phố trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản trong khu vực.
Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam cho biết: “Năm 2022, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm cao độ từ các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường bất động sản thương mại tại Việt Nam, phần lớn trong số đó đến từ nguồn vốn tư nhân, gồm cả giao dịch mua bán lớn nhất do Knight Frank xúc tiến trong 12 tháng qua. Theo dự đoán của Knight Frank, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023, tuy vậy định giá bất động sản trong nước cũng sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ khắp châu Á. Lý do là nhà đầu tư tư nhân cũng có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ các nền kinh tế đang phát triển khác, hoặc tại những thị trường phát triển nơi có lợi thế hơn Việt Nam về độ an toàn và khả năng sinh lợi”.
Việt Nam có 6 tỷ phú USD trong danh sách giàu nhất hành tinh
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 do Forbes vừa công bố hồi tháng 4, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD trong danh sách người giàu nhất thế giới, giảm 1 người so với năm 2022.
Các tỷ phú USD gồm: Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco Group) Trần Bá Dương.
Trong số những tỷ phú USD Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vị trí dẫn đầu khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỷ USD, đồng thời cũng là người giàu thứ 586 trên thế giới. Dù vậy, tài sản của ông Vượng đã giảm mạnh so với ước tính của Forbes vào đầu năm 2022 với 6,2 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air trở lại vị trí thứ 2 với tài sản trị giá 2,3 tỷ USD – xếp hạng 1.318 trên toàn cầu. So với 1 năm trước, tài sản bà Thảo cũng bị giảm 800 triệu USD. Trong khi đó, “vua thép” Trần Đình Long từ vị trí thứ 2 của năm trước nay lùi xuống thứ 3 với tài sản đạt 1,8 tỷ USD. Giá cổ phiếu Hòa Phát giảm mạnh trong thời gian qua có thể là nguyên nhân khiến tài sản của ông Long giảm sâu, sụt mất 1,4 tỷ USD sau 1 năm.
Người có thứ hạng gia tăng trên danh sách tỷ phú USD Việt Nam là ông Trần Bá Dương của Tập đoàn Ô tô Trường Hải. Năm nay ông Trần Bá Dương được ước tính có tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 4. Tài sản tỷ phú Trần Bá Dương chỉ giảm 200 triệu USD so với đầu năm 2022.
Tiếp theo là ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank – hiện sở hữu tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 800 triệu USD và cuối cùng là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản 1,2 tỷ USD, thấp hơn 700 triệu so với 1 năm trước.
Leave A Comment