Tiềm năng của Bảo Lộc mạnh mẽ nhất ở những lĩnh vực nào khi đây là thành phố thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng, được thành lập vào năm 2010? Toàn bộ thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về tiềm năng của thành phố trẻ này.
Tiềm năng Bảo Lộc nhờ vào sức trẻ thành phố
Thành phố Bảo Lộc nằm trên Cao nguyên Di Linh, có độ cao 900 mét so với mực nước biển; cách TP Đà Lạt chừng 110 km và cách TP Hồ Chí Minh 190 km. Hơn 1/4 thế kỷ từ khi tách, nhập và sau 13 năm được công nhận đô thị loại III, Bảo Lộc trở thành vùng đất trù phú, giàu đẹp, thực sự đáng sống. Với những ưu thế về địa hình, vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng…, vùng đất cao nguyên đã “lọt” vào “mắt xanh” của người Pháp từ khá sớm; người Pháp đã đặt vấn đề khai thác Bảo Lộc cùng với Đà Lạt trong những năm 1950 của thế kỷ trước…
Theo các nghiên cứu xã hội học, về dân số, Bảo Lộc có 3 nhóm người cơ bản: người dân tộc Mạ bản địa (sống tập trung các vùng núi rừng, sông, suối phù hợp với thói quen và tập quán sinh hoạt của cộng đồng này). Trước năm 1975, người Kinh từ các nơi di cư về đây sinh sống, lập nghiệp chủ yếu ở các phường, xã dọc tuyến Quốc lộ 20 và sau năm 1975, người Kinh từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục về đây lập trang trại, kinh doanh và định cư…
Sau nhiều lần nhập, tách và đổi tên gọi khác nhau, ngày 11/7/1994, huyện Bảo Lộc (cũ) được tách ra để thành lập thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm; đến ngày 11/3/2009, Bảo Lộc được Chính phủ công nhận là đô thị loại III; ngày 8/4/2010, Chính phủ ban hành Quyết định số 19/NQ-CP về thành lập TP Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Hiện nay, TP Bảo Lộc có diện tích tự nhiên 23.256 ha; dân số: 153.808 người với 26 dân tộc anh em sinh sống tại 11 đơn vị hành chính (gồm 5 xã và 6 phường). Bảo Lộc nằm trên tuyến Quốc lộ 20 nối Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh; nối với Bình Thuận (qua Quốc lộ 55). Đây là các tuyến quốc lộ quan trọng để Bảo Lộc trở thành đầu mối giao thông trọng yếu của vùng Nam Tây Nguyên, có vai trò kết nối và mở rộng giao lưu kinh tế – văn hóa giữa Lâm Đồng với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Trước nay, Bảo Lộc được biết đến là “thủ phủ” của cây chè và nghề ươm tơ dệt lụa (trà B’Lao, lụa tơ tằm Bảo Lộc). Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới biến thiên theo độ cao nên khí hậu Bảo Lộc ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 21 – 24oC, rất phù hợp phát triển du lịch. Khí hậu và đất đai Bảo Lộc rất thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày; trong đó cây trà và công nghiệp chế biến trà rất nổi tiếng; đặc biệt, sản phẩm trà ôlong là “thương hiệu” đang được rất nhiều nước ưa chuộng…
Bảo Lộc được khai thác mạnh nông nghiệp, công nghiệp. Cây trà Bảo Lộc có lịch sử khá lâu đời, đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hoá cao, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến. Các nhà máy trà: 19-5, 1-5, 26-3, 28-3, Hà Giang, Minh Rồng… đã nói lên thế mạnh công nghiệp chế biến trà ở Bảo Lộc. Bên cạnh các nhà máy quốc doanh, tại Bảo Lộc còn có hàng trăm cơ sở chế biến tư nhân hoạt động. Thị trường xuất khẩu trà được mở sang nhiều nước trên thế giới: Nga, Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan -Trung Quốc, các nước vùng Trung Đông…
Ngành Dâu tằm tơ Bảo Lộc cũng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có quy mô lớn, khép kín từ khâu nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa. Diện tích cây dâu tằm hiện nay là 294 ha. Công nghiệp ươm tơ, dệt lụa được đầu tư khá mạnh với nhiều doanh nghiệp ươm tơ dệt lụa với các sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước…
Tiềm năng du lịch tại Bảo Lộc
Khí hậu ở Bảo Lộc ôn hòa, địa hình khá bằng phẳng, giao thông nối với các tỉnh, thành và nhiều vùng kinh tế trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Cùng với sự phát triển của một độ thị trẻ vốn năng động, sản phẩm cây công nghiệp và các ngành nghề truyền thống được khôi phục, phát triển đã biến vùng đất này trở thành nơi “đáng sống”, “đáng đến”…
Trên địa bàn TP Bảo Lộc hiện có 833 doanh nghiệp đầu tư và hoạt động; có trên 100 cơ sở sản xuất, chế biến và xuất khẩu trà; trong đó 70 doanh nghiệp trà tiêu biểu; 24 doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm hoạt động khá hiệu quả. Bảo Lộc hiện có 111 dự án đầu tư trên các lĩnh vực; trong đó có 71 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 31 dự án thuộc lĩnh vực thương mại – du lịch; 9 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp…
Bảo Lộc có nhiều thắng cảnh đẹp như: đèo Bảo Lộc, thác Đam B’ri, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình, suối Tân Thanh… Đặc biệt là bên cạnh các thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ này là những đồi trà, nương dâu mênh mông xanh ngát trải dài đến tít tắp; nhấp nhô bóng dáng của những cô gái “Làng trà”, “Xứ lụa” thon thả hái trà, khoan thai ươm tơ, dệt lụa… đủ sức “hút hồn” du khách!
Những năm gần đây, du lịch sinh thái, du lịch canh nông phát triển, “Xứ trà” đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tại những đồi trà, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trà, nhất là sản xuất, chế biến trà ôlong. Sau thời gian dài thăng trầm, đến nay ngành Lụa tơ tằm Bảo Lộc đã “hồi sinh” với hàng chục doanh nghiệp hoạt động khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới như: Công ty TNHH Lụa tơ tằm Bảo Lộc, Công ty sản xuất Tơ lụa Bảo Lộc, Công ty TNHH Kimono Japan, Công ty TNHH Xe tơ dệt lụa Hà Bảo; Bảo Lộc Silk, Lụa Việt… Trà ôlong và lụa tơ tằm là 2 loại sản phẩm du lịch đang “hút” du khách mỗi khi đến với thành phố trẻ cao nguyên này.
Sự phát triển của ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ chế biến; khôi phục và phát triển ngành Lụa tơ tằm đã giúp Bảo Lộc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, trở thành vùng đất trù phú, phồn thịnh. Theo đó, thúc đẩy du lịch phát triển và mở ra nhiều triển vọng. Hiện, trên địa bàn TP Bảo Lộc có 85 cơ sở lưu trú, hệ thống khách sạn (từ 1 – 3 sao) liên tục phát triển, với 1.091 phòng nghỉ đạt chuẩn; trung bình mỗi năm, thu hút từ 1 – 1,5 triệu lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng…
Bộ mặt đô thị ngày càng có nhiều đổi mới khi thị trường liên tục đón nhận các dự án từ quy mô nhỏ đến lớn. Những dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng này không chỉ đáp ứng nhu cầu về không gian sống cho người dân, mà còn tạo ra môi trường đầu tư đầy hứa hẹn. Đặc biệt, tác động đến “diện mạo” của đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn.
Với ưu thế về khí hậu, cảnh quan, cùng giao thông đồng bộ, kinh tế phát triển,… tiềm năng TP Bảo Lộc ngày càng được thể hiện rõ nét không thua kém gì TP Đà Lạt. Đặc biệt với định hướng trở thành đô thị loại II vào năm 2025, Bảo Lộc sẽ ngày càng phát huy tiềm năng hơn nữa để xứng đáng với vai trò, vị thế của mình.
Leave A Comment