Du lịch Bảo Lộc được ví giống như một viên ngọc thô, để tỏa sáng thì cần phải phát hiện và trải qua quá trình mài giũa. Hiện lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm số 1 tại Bảo Lộc, được cho là yếu tố để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế – xã hội và cả bộ mặt của đô thị phát triển.

Lợi thế của mảnh đất du lịch Bảo Lộc

Chúng tôi có dịp về với TP Bảo Lộc vào những ngày thượng tuần tháng Mười, trong một chuyến công tác dài ngày, để cảm nhận “hương đất – tình người” nơi đây.

Quyện lấy chúng tôi là hình ảnh xanh tươi, mát lành của những nương dâu, đồi trà lô xô hình bát úp; là hương thơm quyến rũ của những vườn cà phê trĩu quả, căng mọng; là những dòng thác bọt tung trắng xoá như dải lụa vắt vẻo trên cao thả mình xuống con suối róc rách đêm ngày; là nét hùng vĩ của những núi non trập trùng lững lờ mây, đẹp đến mê hồn; là những hồ nước trong xanh, trầm mặc soi bóng những hàng cây…

Xa xa là những vườn cây ăn trái trĩu cành, nặng quả, hương thơm dịu ngọt, nồng nàn, như: Bơ, sầu riêng, măng cụt… đang mùa thu hoạch. Những cô gái, chàng trai K’ho, Churu, Mạ… tay thoăn thoắt thu hái bỏ vào đầy ắp những chiếc gùi xinh xắn, gương mặt rạng rỡ, í ới gọi nhau, trò chuyện rôm rả cả một vùng.

Trải bao thăng trầm, biến chuyển của thời cuộc, “thủ phủ” của Trà và Tơ lụa vẫn vươn mình đón ánh nắng ban mai rực rỡ, hồi sinh mạnh mẽ, cuộn trào sức sống như dòng thác Đamb’ri ngân nga dạo khúc tình ca, thiết tha mời gọi chung tay phát triển vì một “thành phố xanh”…

Tiềm năng du lịch Bảo Lộc 2

Bảo Lộc khép mình như một cô gái vùng cao, không quá sôi nổi, phô trương nhưng vẫn mang một nét cuốn hút lạ thường đối với khách thập phương. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hoà, mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với nhiều cảnh đẹp “đắm say” lòng người, như: Thác Đamb’ri, thác Bảy Tầng, Hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình, núi Sa Pung…

Bên cạnh đó, với hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, Bảo Lộc đã và đang thay thế Đà Lạt trở thành thủ phủ mới của tỉnh Lâm Đồng và là tâm điểm phát triển kinh tế phía Nam Tây Nguyên với nhiều cụm công nghiệp lớn, những dự án bất động sản quy mô và khả năng liên kết vùng thuận lợi.

Nhiều hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không. Đồng thời, hệ thống đường vành đai và tuyến cao tốc kết nối Bảo Lộc với các vùng kinh tế dần được hình thành. Trong tương lai gần, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hoàn thành sẽ mở cánh cửa cho Lâm Đồng dễ dàng kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, những tuyến đường kết nối với các thành phố du lịch nổi tiếng trong vùng, như: Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu… cũng đã được mở rộng hoàn thiện giúp cho việc di chuyển thuận lợi hơn. Đặc biệt, việc Sân bay Liên Khương trở thành sân bay quốc tế sẽ giúp Lâm Đồng thu hút khách du lịch và “chia lửa” với Sân bay Cam Ranh.

Cả ngày cuối tuần làm “hướng dẫn viên” đưa chúng tôi rong ruổi một vòng quanh “thủ phủ” Trà và Tơ lụa, Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu, không dưới đôi lần nhắc đến cái lợi thế lớn nhất để phát triển du lịch của địa phương, đó là sự quy tụ, hài hòa, đồng điệu giữa con người và thiên nhiên nơi đây.

Ông cũng khẳng định, Bảo Lộc hiện nay đã hội đủ tiềm năng, thế mạnh để phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao, dã ngoại… Địa phương luôn tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đủ tâm, đủ tầm, chung tay góp sức, tạo “cú hích” phát triển ngành “công nghiệp không khói” cho thành phố còn nhiều dư địa phát triển này.

Đánh thức tiềm năng du lịch TP Bảo Lộc

Bảo Lộc được ví như “viên ngọc thô” đang trong quá trình mài giũa, chắt chiu, vun đắp để trở nên tinh xảo, đẹp đẽ, long lanh và hấp dẫn hơn! Nói như Bí thư Nguyễn Văn Triệu, trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự triển khai đồng bộ của chính quyến các cấp, tiềm năng du lịch của Bảo Lộc đã được “đánh thức”.

Điều này thể hiện ở kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ; nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới được đưa vào kinh doanh, khai thác, chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch cũng diễn ra khá sôi nổi, đặc sắc, với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Tuần Văn hoá Trà và Tơ lụa, ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam 19/4, Liên hoan Văn hoá cồng chiêng, đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, khu vực, quốc gia…

Tiềm năng du lịch Bảo Lộc 3

Đặc biệt, Bảo Lộc cũng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có, mở rộng dịch vụ để thu hút khách du lịch. Có thể kể đến Khu du lịch Đamb’ri đã nâng cấp, phát triển thêm một số loại hình giải trí phục vụ du khách; Công ty Tâm Châu tiếp tục đầu tư các hạng mục theo tiêu chuẩn mô hình du lịch canh nông đạt chuẩn; Điểm du lịch Đôi Dép tại xã Lộc Nga cũng đã hoàn thiện các hạng mục để hoạt động phục vụ du khách với các dịch vụ tham quan, tắm bùn, chăm sóc sức khỏe…

Song song với đó là gắn kết việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch với hoạt động phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Hình thành các tour cho du khách tham quan cánh đồng trà chất lượng cao, trình diễn nghệ thuật thu hái chế biến trà, tham quan các dây chuyền sản xuất trà, cà phê, nghề trồng dâu nuôi tằm… là những sản phẩm ưu thế ở địa phương gắn với các chương trình du lịch dã ngoại, du lịch trải nghiệm.

Theo ông Triệu, “xã hội hóa du lịch” là một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới để phát triển ngành du lịch Bảo Lộc. Do đó, địa phương sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư mới các dự án du lịch; tạo môi trường thông thoáng cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh phát triển du lịch.

Trước mắt, địa phương đang mời gọi đầu tư vào một số dự án du lịch, như: Phát triển điểm du lịch thác Bảy Tầng (Đại Lào), Suối Đá Bàn… theo hướng du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng; phát triển điểm du lịch Hồ Nam Phương, Hồ Mai Thành… thành các loại hình dịch vụ giải trí chất lượng cao, đáp ứng như cầu tham quan, nghĩ dưỡng của du khách.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư đối với một số dự án trọng điểm, mang tính đột phá, như: Sân Golf và nghỉ dưỡng; Dự án Khách sạn 5 sao tại khu vực chợ Bảo Lộc cũ và Dự án Khu du lịch núi Sapung (xây dựng cáp treo và các loại hình dịch vụ khác).

“Bảo Lộc sẽ tập trung các nguồn lực để xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Tuy nhiên, phát triển phải bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, để biến Bảo Lộc thành “đô thị xanh”, thành thành phố đáng sống trong tương lai”, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc nêu định hướng và kỳ vọng.

Để đánh thức tiềm năng du lịch Bảo Lộc, nơi đây cần có nhiều các dự án khu đô thị xanh tăng trải nghiệm cho du khách, tô điểm thêm “bộ mặt” đô thị ngày càng đẹp hơn, tăng sự hấp dẫn trong mắt giới đầu tư,…