Trước tình trạng thiếu nguồn vốn triển khai dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Theo Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, phương án dự kiến tạo nguồn thu ngân sách địa phương để thực hiện các Dự án xây dựng tuyến đường bộ Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương là từ bán đấu giá các quỹ đất và tăng thu ngân sách địa phương của tỉnh năm 2023.

1. Bán đấu giá quỹ đất

Nguồn thu từ việc bán đấu giá các quỹ đất dự kiến thu về được 3.110 tỷ đồng gồm các khu đất: Lô A2, A3 quảng trường Lâm Viên (diện tích 7.036 m2) dự kiến số thu 342 tỷ đồng; Khu A, B Công viên Trần Quốc Toản (26.700 m2) 1.550 tỷ đồng, Phân khu 150 ha hồ Tuyền Lâm (đất thương mại dịch vụ thời hạn sử dụng 50 năm) 983 tỷ đồng, Khu đất số 07 Phù Đổng Thiên Vương 70,8 tỷ đồng (tạm tính bằng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định của UBND tỉnh).

Các dự án nêu trên đang được UBND TP Đà Lạt và Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm lập phương án gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định đấu giá. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thuê đơn vị thẩm định giá để xác định giá giao đất tại Dự án Khu dân cư số 5, trình phê duyệt với số tiền dự kiến thu được là 164,7 tỷ đồng.

giải pháp nguồn vốn cao tốc Bảo Lộc 2

2. Tăng thu ngân sách địa phương

Đối với nguồn tăng thu ngân sách địa phương cấp tỉnh, Sở Tài chính dự kiến khoảng gần 170 tỷ  đồng bổ sung cho 2 Dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Trong đó, gần 50,5 tỷ đồng từ nguồn tăng thu từ thuế, phí và thu khác ngân sách của cấp tỉnh; gần 35 tỷ đồng từ nguồn thu tiền thuê mặt đất, mặt nước; gần 47,5 tỷ đồng từ nguồn bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; gần 37 tỷ đồng từ nguồn thu xổ số kiến thiết.

Tại buổi làm việc với Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng ngày 18/4, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị các ngành vận dụng mọi nguồn lực, bố trí nguồn vốn 4.500 tỷ đồng cho đường cao tốc ở giai đoạn đầu, giai đoạn tiếp theo 6.000 tỷ đồng (trong đó, 3.700 tỷ đồng từ tái định canh).

Ông Trần Văn Hiệp khẳng định: “Tỉnh phải tự chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuẩn bị vốn làm cao tốc, phải lập sẵn các phương án để kịp tiến độ. Việc tổ chức đấu giá quỹ đất phải được  đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể để thu nghĩa vụ tài chính đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất; tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất, bảo đảm tính đúng, tính đủ theo quy định. Làm tốt công tác xác định giá khởi điểm bảo đảm giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.”

giải pháp nguồn vốn cao tốc Bảo Lộc 3

Thông tin về tuyến cao tốc Tân Phú – Liên Khương

Tuyến cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022. Tuyến đường có chiều dài khoảng 66 km (trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55 km), bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng (bao gồm phần vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng).

Tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 9/12/2022. Tuyến đường có chiều dài khoảng 74 km, bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng (bao gồm phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng).

Cả hai đều thuộc dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200km, là tuyến đường huyết mạch của Lâm Đồng trong việc kết nối với tỉnh Đông Nam bộ. Đây cũng là tuyến đường đã, đang và sẽ làm gia tăng giá trị bất động sản của Bảo Lộc nói riêng, toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung.